Biến đổi khí hậu là một yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước trên thế giới. Tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe cộng đồng thông qua hai phương cách: tác động trực tiếp và tác động gián tiếp. Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu chủ yếu thể hiện qua sự gia tăng tỉ lệ tử vong khi nhiệt độ tăng cao. Đã có nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra mối liên quan giữa việc nhiệt độ tăng cao (do biến đổi khí hậu) và sự gia tăng tỉ lệ tử vong. Mối liên quan giữa nhiệt độ và tử vong có hình chữ -U hoặc chữ -V, có nghĩa là khi nhiệt độ nóng tăng cao hoặc nhiệt độ lạnh hạ thấp hơn so với nhiệt độ lý tưởng, thì tỉ lệ tử vong cũng tăng lên. Những nghiên cứu về tác động của nhiệt độ lên tử vong hầu hết là ở các nước phát triển có khí hậu lạnh hoặc ôn đới, rất ít các nghiên cứu cùng chủ đề đã được tiến hành ở các nước đang phát triển có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.
Mục đích:Đánh giá mối liên quan và tác động của nhiệt độ lên tử vong ở thành phố Huế từ 2009-2013.
Phương pháp: Chúng tôi thu thập số liệu tử vong theo ngày được quản lý và ghi nhận trong sổ tử vong A6 tại trạm y tế tuyến xã phường. Trong nghiên cứu này, số liệu tử vong bao gồm 6214 người, được thu thập tại 27 phường thuộc thành phố Huế. Sau đó chúng tôi sử dụng mô hình “độ trễ phi tuyến tính” (distributed lag nonlinear model-DLNM) để phân tích mối liên quan giữa nhiệt độ và số tử vong theo ngày. Chỉ số Akaike (Akaike information criterion) được sử dụng để lựa chọn mô hình tối ưu.
Kết quả: Mối liên quan giữa nhiệt độ và tử vong ở Huế khi sử dụng mô hình độ trễ dài ngày (14,21 hoặc 28 ngày) thì có hình chữ “L”, có nghĩa là tác động của nhiệt độ lạnh lên tử vong thì cao hơn hẳn so với tác động của nhiệt độ nóng. Nhiệt độ nóng thì gia tăng số tử vong ngay lập tức và đạt đỉnh sau đó năm ngày (tỉ số nguy cơ tích lũy RR = 1.37, 95% khoảng tin cậy= 1.06 - 1.76). Trong khi đó nhiệt độ lạnh thì làm gia tăng số tử vong từ từ và đạt đỉnh sau 28 ngày (tỉ số nguy cơ tích lũy RR = 1.78, 95% khoảng tin cậy= 1.1 - 2.88). Thêm vào đó nhiệt độ nóng còn gây ra hiện tượng “dịch chuyển tử vong” (mortality displacement), có nghĩa là khi gia tăng số tử vong và đạt đỉnh sau 5 ngày, thì tỉ số nguy cơ RR giảm xuống dưới 1 từ ngày thứ 6 trở đi. Điều này giải thích lý do tại sao trong mô hình độ trễ dài ngày thì mối liên quan giữa nhiệt độ và tử vong lại có hình chữ “L”.
Kết luận: Ở thành phố Huế, thì mỗi liên quan giữa nhiệt độ và tử vong có hình chữ “L” trong mô hình độ trễ dài ngày. Đặc điểm này khác so với những nghiên cứu trước đây tiến hành ở các nước phát triển có khí hậu lạnh hoặc ôn đới. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa tại các nước đang phát triển có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới để khẳng định lại kết quả này.
Báo cáo tại Hội nghị khoa học Y tế công cộng lần 2 của Hội Y tế công cộng TPHCM
Xin vui lòng tải file đính kèm